Vì sao chúng ta nên ngồi thiền?
Tìm kiếm trong những tài liệu hướng dẫn về Thiền, có lẽ chỉ thấy những lời… hù dọa và những bày vẽ đầy khó khăn, phức tạp. Những công án mù tịt, những chuyện kể quái dị và những tình huống ly kỳ. Nào hét, nào đánh, nào chặt tay, nào lật thuyền… Càng đọc càng rối.
Hay là có một bí quyết nào đó mà người ta cố giấu? Có thật những người tu thiền đều tu đúng cách và đều ngộ? Không chắc. Có phải là ép xác, giam mình trong hầm tối, để tâm trí chìm lỉm trong hôn mê – một dạng nào đó – để tìm đến tâm bất động?
Không thể tin là người ta phải hủy diệt tri thức đi thì mới ngộ được bởi chính Bát Nhã cũng là một thứ tri thức. Hủy diệt tri thức, đẩy mình vào thế trì độn, chắc chắn không thể là Thiền.
Làm sao đạt tới? Làm sao duy trì?
Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh nọ, có một vài khoảnh khắc hình như tôi nhận ra một cái tôi khác trong tôi. Tôi như buông trôi và nhẹ hẫng. Tôi bất ngờ và dễ chịu. Tôi nghiệm ra rằng khi trong ta tràn ngập một nỗi "lo" lớn hơn thì mọi thứ lăng xăng vọng động trở thành vô nghĩa.
Chỉ cần chú ý vào hơi thở của mình thôi thì hình như thân ta cũng nhẹ nhàng vì cái duy nhất còn là hơi thở vào thở ra rất quan trọng mà ta vốn hay quên. Thở ở trong ta mà cũng như ở ngoài ta, như không có ta, không cần ta vậy.
Cho nên các phương pháp khí công, yoga rất quan tâm nghiên cứu hơi thở, cách thở. Trên thực tế, nếu biết tập trung vào cái hơi thở đó thôi, ta có vừa thở tốt hơn, hiệu quả hơn về mặt sinh lý mà còn làm quên đi những nỗi phiền muộn lo âu làm ta khổ đau, tức là được an vui cả về mặt tâm thần.
Cái may mắn của ta là động tác thở vừa tự động lại vừa kiểm soát được. Thở ra hết thì tự động thở vào. Thở vào hết lại tự động thở ra. Nhưng ta có thể kiểm soát làm cho thở nhanh, thở chậm, thở cạn, thở sâu được.
Cái may mắn thứ hai là khi đầu óc ta phải bận suy nghĩ về điều này thì không thể cùng lúc nghĩ về điều khác. Vì vậy mà ta kết hợp lại: Vừa thở và quan sát sự thở, để ý đến hơi thở vào, ra, dài, ngắn ra sao… ta sẽ quên suy nghĩ đến chuyện khác, nhờ đó mà đầu óc ta tĩnh lặng lại, thư giãn ra.
Một lúc thì giận đã nguôi. Đây là một hiện tượng sinh lý. Người nào kiểm soát được hơi thở thì kiểm soát được tâm.
Cho nên Thiền phải bắt đầu bằng kiểm soát hơi thở. Phật đã dạy điều này từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước trong kinh "Quán niệm hơi thở". Phật đã giảng dạy không chỉ "lý thuyết" như chánh kiến, chánh tư duy mà còn dạy cả kỹ năng, cả phương pháp như chánh niệm, chánh định.
Một khi tâm đã nhờ Thiền mà yên tĩnh, lúc đó mới có thể đi vào từng ý, từng lời trong Tâm Kinh được, để thấy được cái duyên sinh duyên khởi, cái vô ngã, vô thường, nhờ đó mà không còn sợ hãi, vô úy, giải thoát.
Thiền là một cái "mẹo", và phải có kỹ thuật mới hiệu quả
Osho bảo Thiền là một "cái mẹo", khi nắm bắt được nó rồi có thể định tâm tùy ý. Nếu Thiền là một cái "mẹo" hẳn phải có một kỹ thuật nào đó có hiệu quả. Nhưng "kỹ thuật" đó là gì? Osho nói chỉ cần làm một người quan sát, không truy cứu, không phê phán, không định kiến là đủ để tâm nhảy nhót dừng lại.
Như bầu trời trong, mây đến xây thành, tạo bao hình tượng, không thấy bầu trời nói gì bèn tự tan biến đi. Rồi lại đến, rồi lại đi. Bầu trời cứ quan sát, không phê phán. Sóng ầm ầm đủ kiểu, đại dương chỉ mở rộng lòng, không phê phán. Cũng vậy, ý tưởng cứ đến và đi.
Nhưng quan sát vẫn còn là một cố gắng. Không cần thế, chỉ chứng kiến thôi là đủ. Tóm lại, quan sát, chứng kiến các ý tưởng một cách dửng dưng, không phê phán. Thực ra, hoàn toàn không dễ chút nào. Phải thực tập dài dài!
Chưa ai thấy người ngồi thiền nào thở phì phò ầm ĩ, thở nhô vai lên xuống như lúc ta tập thể dục, vì lúc đó ta thở bằng cơ gian sườn, cơ cổ, là những cơ cổ hấp phụ, không hiệu quả nhiều!
Người xưa luyện "khí công", đưa hơi xuống huyệt "đan điền", phía dưới rốn 4 cm, thực chất chính là thở cơ hoành. Cơ hoành là cơ hô hấp quan trọng nhất, quyết định 80% chất lượng hô hấp, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực, di chuyển lên xuống như một pit-tông đẩy và hút khí vào ra.
Thở chậm mà sâu thì lợi gấp đôi thở nhanh mà cạn. Tế bào thần kinh hô hấp có ảnh hưởng toàn bộ hệ thần kinh thực vật, tác động lên các tạng phủ khác nên thở đúng cách có lợi cho toàn thân, cho cả tim mạch, tiêu hóa, bài tiết.
Trung tâm hô hấp nằm ở hành tủy và cầu não, có tính tự động, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của luồng thần kinh xuất phát từ vỏ não, khiến ta có thể chủ động thở nhanh chậm cạn sâu theo ý muốn như đã nói trên.
Khi có một vùng vỏ não hoạt động mạnh thì sẽ phát xung ức chế các vùng chung quanh, cả trung tâm hô hấp làm giảm hô hấp vì thế mà nhà khoa học lúc suy nghĩ tập trung quên cả thở, người họa sĩ vẽ tranh quên thở, tu sĩ khi "quán chiếu" quá thâm sâu cũng làm giảm hô hấp.
Cũng do ảnh hưởng võ não, các cảm xúc giận dữ, đau đớn, sợ hãi sẽ có luồng thần kinh tác động vùng dưới đồi làm thay đổi hô hấp, ta gần như ngộp thở, thở hổn hển… Ngược lại, điều khiển được nhịp thở sẽ ảnh hưởng ngược làm giảm các cảm xúc. Thở bụng, chú ý thở vào thở ra, bỏ mặc cảm xúc thì cảm xúc sẽ biến mất.
Những nghiên cứu về sinh lý học trong Thiền còn nhiều thứ như đo các sóng phát ra từ não bộ, đo biến dưỡng căn bản, năng lượng tiêu hao… cung cấp nhiều phát hiện lý thú.
Nhiều nghiên cứu khẳng định Thiền giúp làm giảm huyết áp, giải quyết được một số vấn đề tim mạch, tăng sức đề kháng của cơ thể, hoạt động ít mệt mỏi, giải quyết công việc hiệu quả, sáng suốt hơn, kể cả trong học tập và nghiên cứu.
Thiền có thể hỗ trợ chữa bệnh
Nhiều trung tâm Y khoa, Đại học y trên thế giới hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu về Thiền. Rõ ràng Thiền còn rất nhiều bí ẩn, cần được thể nghiệm, thực hành, nghiên cứu dài lâu.
Tuy vậy, việc thở bụng và tập trung theo dõi hơi thở đã là một biện pháp tốt để làm giảm stress và có lợi cả về mặt sinh lý hô hấp, nâng cao chất lượng hô hấp, hỗ trợ điều trị một số bệnh tật, đặc biệt các bệnh mãn tính.
Phật đã dạy phương pháp thở này ngay từ những bài giảng đầu tiên. Trong kinh "Quán niệm hơi thở" và kinh "Tứ Niệm Xứ", Phật khẳng định: "Đây là con đường duy nhất để giúp chúng sanh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết Bàn"…
"Thở vào thì biết là mình đang thở vào; thở ra thì biết là mình đang thở ra; thở vào một hơi dài thì biết mình đang thở vào một hơi dài… thở ra một hơi ngắn thì biết mình đang thở ra một hơi ngắn…" Chỉ có vậy.
Mới đọc, tưởng như có gì "lẩm cẩm" ở đây, nghiền ngẫm kỹ và thực hành thì mới giật mình. Rõ ràng là đã ứng dụng quy trình ức chế vỏ não để tạo một điểm hưng phấn ở một nơi nhằm gây ức chế những điểm chung quanh.
Như trên đã nói, khi lo âu, sợ hãi, giận dữ… hơi thở bị ức chế gây rối loạn, gần như ngộp thở, hổn hển, mệt nhoài, căng thẳng, nhưng nếu tập trung được ngay vào hơi thở, theo dõi hơi thở, "thở vào thì biết thở vào…" thì hưng phấn mới này sẽ gây ức chế các cảm xúc lo sợ, giận dữ kia đi!
Tưởng dễ mà thật ra không dễ dàng gì vì khi nổi giận thì ta có khuynh hướng bị cuốn hút vào cơn giận, quên thở, hơn là tập trung vào thở… để quên giận. Làm ngược lại được thì ta đã tu… gần thành chánh quả! Cho nên "tu" là phải "luyện" dài dài (tu luyện), phải thực hành dài dài (tu hành) là vậy!
Có thể nói Thiền là Thở. Không cần bày vẽ nhiều kiểu thở này nọ quá, dễ gây hoang mang, khó thực hiện. Chỉ cần nhớ cái chủ yếu là "thở bụng" và luôn "nghĩ về thở" của mình trong lúc thở là được. Đừng gắng sức. Cũng đừng nóng vội. Đừng mong có kết quả ngay.
Thế ngồi, tự nó cũng có ý nghĩa trong chuyện Thiền này, mặc dù không cứ ngồi mới là Thiền, vì tư thế nào cũng Thiền được (nghĩa là ở đâu, lúc nào cũng phải… thở kia mà!). Nhưng có lẽ ngồi kiết già, bán già, có lợi thế hơn.
Trước hết nó vững vàng, nó lại giúp cho… cái bụng hoạt động tốt, thoải mái trong động tác "phình ra, thót vào" hơn, dễ đưa hơi xuống "huyệt đan điền" hơn. Huyệt đan điền cũng gọi là huyệt "khí hải", biển chứa khí ngay dưới rốn.
Khi còn nằm trong bụng mẹ người ta không thở qua phổi mà "thở" qua rún, tức là qua nhau thai. Khi ta lớn lên, ta quên ngay cái rốn, thật là đáng tiếc! Thế ngồi làm cho cái rún được nhớ lại, mọi thứ tập trung vào… rốn, và giải phóng đầu óc, cho đầu óc được nghỉ ngơi.
Kiết già là một
tư thế yoga, padmasana, có từ nhiều ngàn năm trước khi Phật ra đời. Người xưa đã tìm cách ngồi sao cho khỏe, phát hiện cách ngồi này mà bây giờ ta hiểu có khả năng giúp làm giãn cơ, chống lại sự mỏi cơ do hiện tượng co cơ thường trực (tonus) và do cơ phải vận động nhiều, sinh ra acid lactic, gây thiếu oxy cơ (vọp bẻ, chuột rút).
Phật thừa kế và kết hợp với "quán niệm hơi thở" thành một pháp môn thực hành quan trọng trong tu tập. Tư thế ngồi trong Thiền cũng tạo thành một phản xạ có điều kiện tốt cho ta. Khi ngồi xuống như vậy, tự nhiên ta buộc phải tập trung vào hơi thở và… quên mọi thứ chuyện trên đời. Đầu óc nhờ đó hết bị căng thẳng, và sau mấy hơi thở đúng cách, huyết áp cũng giảm xuống, tim bớt hồi hộp…
Các trung tâm Y khoa hướng dẫn thực hành Thiền để chữa bệnh đã chứng minh điều này. Trong đời sống hàng ngày, thỉnh thoảng thư giãn, ngồi "thở bụng" như vậy một lúc đủ làm tăng năng suất lao động, lao động trí óc cũng như lao động chân tay.
Các vận động viên trước khi thi đấu đều cần những phút hoàn toàn thư giãn như vậy, nhất là thư giãn cho cái "cứng cơ" không thực hiện được ý muốn. Học sinh trước những ngày thi, ngồi "thiền" một chút thì dễ đậu hơn là để đầu óc bị căng thẳng, dù rất thuộc bài mà rối trí, quên hết!
Thực ra Thiền cần cả 3 yếu tố là tư thế, cách thở và quán tưởng. "Quán" có thể nói nôm na là "nghĩ", là "tưởng" tới một điều gì đó trong lúc ngồi Thiền. Việc này quan trọng hơn là chúng ta tưởng!
Trong lúc Thiền, nghĩ về điều lành, điều thiện thì rõ ràng hơi thở sẽ điều hòa, tâm hồn sẽ thư thái; nghĩ về điều xấu, điều ác thì lập tức hơi thở hằn học, hổn hển, tim đập nhanh, mạch máu co thắt lại, huyết áp tăng lên…
Tâm lý ảnh hưởng sinh lý một cách rõ rệt. Chỉ cần nghĩ đến "me chua" thì lập tức chảy nước miếng! Chỉ cần nghĩ tới "kẻ thù" thì lập tức "nộ khí xung thiên", còn nghĩ tới những hình ảnh yêu thương thì tâm hồn tự nhiên dịu xuống!